Truy cập nội dung luôn

UBND HUYỆN SƠN TÂY TỈNH QUẢNG NGÃI

Bảo đảm quyền bình đẳng của phụ nữ, tiến tới xóa bỏ những rào cản mang định kiến về giới từ Luật Đất đai năm 2013

06/07/2021 13:37    131

Ở Việt Nam, trước năm 1980 đất đai cơ bản thuộc quyền sở hữu tập thể, đất đai là tư liệu sản xuất được đưa vào hợp tác xã để quản lý, sử dụng theo mô hình tập trung. Từ khi có Luật Đất đai 1987 đến trước Luật Đất đai 2013, hệ thống kinh tế nông nghiệp của Việt Nam đã có những thay đổi từ đất đai là tư liệu sản xuất do hợp tác xã quản lý, sử dụng sang giao cho hộ gia đình, cá nhân để chủ động sản xuất theo hướng kinh tế tư nhân. Đất nông nghiệp được giao cho các hộ gia đình, cá nhân cùng với quyền được quyết định các phương thức và các sản phẩm cây trồng trên đất đai của họ. Đối với loại đất trên, việc cấp Giấy chứng nhận được thực hiện với đối tượng là hộ gia đình và ghi tên đại diện trên Giấy chứng nhận là chủ hộ, trong khi thực tế chủ hộ thường là người chồng, và tồn tại tình trạng tại một số địa phương, một số trường hợp chỉ người đứng tên trên Giấy chứng nhận thực hiện quyền của người sử dụng đất, làm phương hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của người vợ. Tình trạng trên gây ra nhiều vấn đề phức tạp trong công tác quản lý Nhà nước về đất đai và khó khăn trong giải quyết các mâu thuẫn, đặc biệt trong các tranh chấp về quyền sử dụng đất. Cụ thể, người phụ nữ không được tham gia quyết định định đoạt đối với quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất được ghi nhận trên Giấy chứng nhận như thừa kế, thế chấp, chuyển nhượng, tặng cho, góp vốn, cho thuê, cho thuê lại... làm phát sinh những mâu thuẫn có thể dẫn đến ly hôn hoặc tranh chấp giữa những người thân trong gia đình bên chồng vì giấy tờ về quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất không mang tên người vợ.

Với những bất cập đã nêu trên, Luật Đất đai năm 2013 đã quy định hộ gia đình sử dụng đất là những người có quyền sử dụng đất chung tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất; trong đó, tại Khoản 29 Điều 3 quy định “Hộ gia đình sử dụng đất là những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, đang sống chung và có quyền sử dụng đất chung tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; nhận chuyển quyền sử dụng đất”. Bên cạnh đó, Luật Đất đai năm 2013 cũng điều chỉnh nội dung bắt buộc ghi tên cả vợ và chồng trên Giấy chứng nhận đối với trường hợp tài sản là của chung cả vợ và chồng; trong đó, tại Khoản 4 Điều 98 quy định “Trường hợp quyền sử dụng đất hoặc quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là tài sản chung của vợ và chồng thì phải ghi cả họ, tên vợ và họ, tên chồng vào Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, trừ trường hợp vợ và chồng có thỏa thuận ghi tên một người”. Đối với trường hợp quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất là tài sản chung của vợ và chồng mà Giấy chứng nhận đã cấp chỉ ghi tên vợ hoặc chỉ ghi tên chồng, pháp luật đất đai đã điều chỉnh để tạo sự công bằng và khắc phục những tồn tại đã có. Cụ thể, tại Khoản 4 Điều 98 quy định “Trường hợp quyền sử dụng đất hoặc quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là tài sản chung của vợ và chồng mà Giấy chứng nhận đã cấp chỉ ghi họ, tên của vợ hoặc chồng thì được cấp đổi sang Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất để ghi cả họ, tên vợ và họ, tên chồng nếu có yêu cầu”.

Quy định của pháp luật về đất đai đối với việc cả vợ và chồng cùng đứng tên trên Giấy chứng nhận đã làm tăng tỷ lệ Giấy chứng nhận có cả tên vợ và chồng. Tuy nhiên, trên thực tế, việc cấp Giấy chứng nhận với đối tượng là hộ gia đình và đối tượng là vợ và chồng có chung quyền sử dụng đất nhưng mới có tên người chồng vẫn còn nhiều. Tỷ lệ chuyển đổi Giấy chứng nhận có cả tên vợ và chồng vẫn còn thấp vì nhiều lý do, trong đó có hạn chế về nguồn lực của nhà nước đối với việc triển khai thực hiện, người dân chưa biết về quy định của pháp luật, chưa biết về cơ hội được chuyển và lợi ích của việc chuyển đổi, tâm lý e ngại về thủ tục giấy tờ và chi phí cũng như yếu tố nhạy cảm về văn hóa - xã hội.

Thực tế đã xảy ra nhiều trường hợp Giấy chứng nhận đã cấp cho hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất hoặc cấp Giấy chứng nhận cho tài sản chung là của cả vợ và chồng nhưng trên Giấy chứng nhận chỉ ghi tên người chồng, khi thực hiện các quyền của người sử dụng đất chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất chỉ do người chồng thực hiện, trong khi người vợ không được biết hoặc không được tham gia đối với việc định đoạt tài sản trên. Để tránh việc người phụ nữ không được định đoạt đối với tài sản có phần quyền của mình, pháp luật về đất đai đã quy định đối với trường hợp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất là của chung của vợ và chồng thì Giấy chứng nhận được ghi tên cả vợ và chồng. Việc thực hiện quy định trên nhằm xác định rõ chủ thể trong sử dụng đất, tránh các tranh chấp, làm minh bạch quyền của người sử dụng đất, bảo vệ người phụ nữ, làm ổn định xã hội:

- Việc cấp Giấy chứng nhận mang tên cả vợ và chồng đã có những tích cực hơn trong việc quản lý như: tránh được các khiếu nại, khiếu kiện khi giải quyết các tranh chấp, từng bước đảm bảo quyền phụ nữ nói riêng và quyền của người sử dụng đất nói chung.

- Việc cấp Giấy chứng nhận mang tên cả vợ và chồng làm minh bạch trong quan hệ sử dụng đất đai, tạo điều kiện để người phụ nữ được chủ động tham gia các hoạt động về kinh tế, góp phần xóa đói, giảm nghèo.

- Việc cấp Giấy chứng nhận mang tên cả vợ, chồng đã giải quyết được các mâu thuẫn nội tại gia đình, góp phần nâng cao vị thế, trách nhiệm của người phụ nữ trong các giao dịch về đất đai và tài sản gắn liền với đất như: chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế thế chấp, ...

- Giấy chứng nhận mang tên cả vợ và chồng đảm bảo cho phụ nữ và nam giới được bình đẳng với nhau, bảo vệ quyền của phụ nữ, đặc biệt đối với phụ nữ tại các khu vực khó khăn, khu vực đồng bào dân tộc thiểu số, khu vực miền núi, hảo đảo (khu vực mà người phụ nữ dễ bị xâm phạm về quyền). Trong trường hợp có vấn đề phát sinh về quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận mang tên cả vợ và chồng sẽ bảo vệ được quyền lợi chính đáng của các đối tượng có liên quan. Góp phần tạo sự bình đẳng nam, nữ trong xã hội Việt Nam nói chung và trong việc tiếp cận sử dụng đất đai nói riêng. Hơn nữa, còn tạo ra sự đồng thuận trong xã hội về việc bảo vệ quyền của phụ nữ đối với tài sản là nhà, đất. Ở khía cạnh khác, phụ nữ là lực lượng chủ yếu trong sản xuất nông nghiệp, khi họ được bình đẳng với nam giới về quyền và nghĩa vụ trong sử dụng đất đai sẽ tạo ra động lực tích cực giúp phụ nữ hăng say sản xuất góp phần đáng kể vào quá trình đẩy nhanh giảm tỷ lệ đói, nghèo.

- Quyền bình đẳng giới trong sử dụng đất được nâng cao và được tôn trọng góp phần giảm thiểu sự phân biệt đối xử đối với phụ nữ; các mâu thuẫn, xung đột trong gia đình được giải quyết ổn thỏa góp phần tạo nền móng vững chắc để duy trì sự ổn định của xã hội. Giảm tranh chấp về đất đai góp phần giữ gìn trật tự xã hội, truyền thống, phong tục tập quán.

- Nâng cao vị thế của người phụ nữ trong gia đình, họ có tiếng nói trong quá trình ra quyết định, tham gia nhiều hơn vào các quyết định trong gia đình và từ đó họ cũng mạnh dạn hơn khi tham gia vào các công việc cộng đồng, xã hội.

- Chủ động giải quyết công việc nhanh hơn, hợp lý hơn. Nâng cao sự hiểu biết xã hội của phụ nữ, điều này có tác động rất lớn tới việc giáo dục con cái - những chủ nhân tương lai của đất nước.

- Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ đối với trường hợp có chung quyền sử dụng đất. Tạo điều kiện cho người phụ nữ được làm chủ đất đai, hạn chế lệ thuộc vào nam giới, vai trò giới được nâng cao, phát huy, tạo điều kiện để người phụ nữ thoát được đói nghèo và phát triển bản thân.

- Giấy chứng nhận có tên người phụ nữ góp phần tăng tiếp cận tín dụng (có thể thực hiện chủ động đối với việc thế chấp tại các tổ chức tín dụng) và mức chi tiêu hộ gia đình, từ đó có thể tăng tiêu dùng và đầu tư hoặc tái đầu tư vào sản xuất cũng như giảm tỷ lệ nghèo. Việc người phụ nữ có tên trên Giấy chứng nhận được đảm bảo trong quá trình thực hiện quyền đối với đất đai và tài sản (thực tế làm tăng quyền của phụ nữ trong việc ra quyết định). Vì vậy, lợi ích từ việc cấp Giấy chứng nhận cho vợ chồng và cho hộ gia đình có tên người phụ nữ tạo ra những lợi ích tích cực, nên việc thực hiện cấp đổi Giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cho vợ chồng có chung quyền sử dụng đất nhưng chỉ đang ghi tên người chồng sang Giấy chứng nhận có cả tên vợ và chồng là việc cần thiết.

KimThanh

Thống kê truy cập

Số lượt truy cập: 1543

Tổng số lượt xem: 9357959

Bản quyền © 2017 thuộc về UBND HUYỆN SƠN TÂY | Tỉnh Quảng Ngãi

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Phan Đình Trọng - Chánh Văn phòng HĐND&UBND huyện Sơn Tây.

Địa chỉ: Xã Sơn Mùa, huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi. ĐT: 0255.3868.279. Email: sontay@quangngai.gov.vn

ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang