Truy cập nội dung luôn

UBND HUYỆN SƠN TÂY TỈNH QUẢNG NGÃI

Hướng dẫn thủ tục xác nhận và giải quyết chế độ ưu đãi người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày

04/05/2020 13:28    82

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội vừa có Công văn số 1081/SLĐTBXH-NCC hướng dẫn thủ tục xác nhận và giải quyết chế độ ưu đãi người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày (thay thế Công văn số 522/SLĐTBXH-NCC ngày 28/02/2019 của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội về việc triển khai thực hiện Thông tư số 02/2019/TT-BLĐTBXH ngày 08/01/2019 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; một số nội dung giải quyết xác nhận hồ sơ hưởng trợ cấp người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày).

1. Trường hợp đã hưởng trợ cấp một lần

1.1. Trách nhiệm cá nhân: Lập bản khai cá nhân (mẫu TĐ1), kèm theo bản sao quyết định trợ cấp một lần gửi Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (gọi tắt là UBND cấp xã) nơi cư trú. Đối với huyện Lý Sơn thì hồ sơ gửi trực tiếp tại Ban Tổ chức, Nội vụ - Lao động, Thương binh và Xã hội huyện.

1.2. Ủy ban nhân dân cấp xã: Trong thời gian 05 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ, trường hợp nào đủ điều kiện thì xác nhận, lập danh sách kèm hồ sơ gửi Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện, thị xã, thành phố đề nghị giải quyết; những trường hợp chưa đủ cơ sở đề nghị giải quyết thì hướng dẫn bổ sung hoàn thiện hồ sơ; trường hợp không đủ điều kiện giải quyết thì phải có văn bản chuyển trả, giải thích và nêu rõ lý do.

1.3. Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các huyện, thị xã, thành phố và  Ban Tổ chức, Nội vụ - Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Lý Sơn (viết tắt là Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện): Trong thời gian 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, có trách nhiệm kiểm tra, lập danh sách kèm hồ sơ quy định tại điểm 1.1, khoản 1 Công văn này gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (qua Trung tâm phục vụ Hành chính công tỉnh);

Trường hợp người bị địch bắt tù, đày trước đây đã hưởng trợ cấp một lần, nay chuyển đến địa phương khác cư trú thì phải làm thủ tục di chuyển hồ sơ hoặc quyết định trợ cấp một lần đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi cư trú hiện tại để làm thủ tục hưởng trợ cấp hàng tháng.

1.4. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: Tiếp nhận hồ sơ tại Trung tâm phục vụ Hành chính công tỉnh; trong thời gian 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, tài liệu đúng theo quy định, Phòng Người có công có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ, tham mưu lãnh đạo Sở ban hành quyết định trợ cấp, đồng thời phối hợp với Phòng Kế hoạch – Tài chính Sở thông báo cho Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội cấp huyện thực hiện chi trả trợ cấp cho đối tượng.

2. Trường hợp chưa hưởng trợ cấp một lần

2.1. Đối với trường hợp có giấy tờ xác định nơi bị tù, thời gian tù (riêng trường hợp xác nhận của cơ quan chức năng thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an về thời gian và nơi bị tù thì thực hiện theo điểm 2.2, khoản 2 Công văn này), thực hiện như sau:

a) Trách nhiệm cá nhân:

Lập bản khai cá nhân (mẫu TĐ2). Trường hợp người hoạt động cách mạng hoặc hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày đã chết mà chưa được hưởng chế độ ưu đãi người hoạt động cách mạng hoặc hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày thì đại diện thân nhân lập bản khai (có biên bản uỷ quyền của thân nhân) (mẫu TĐ3) gửi Ủy ban nhân dân cấp xã (đối với huyện Lý Sơn thì hồ sơ gửi trực tiếp tại Ban Tổ chức, Nội vụ - Lao động, Thương binh và Xã hội huyện) kèm theo bản sao một trong các giấy tờ xác định nơi bị tù, thời gian tù như sau:

- Lý lịch cán bộ, lý lịch Đảng viên (lập từ ngày 01 tháng 01 năm 1995 trở về trước); hồ sơ hưởng chế độ Bảo hiểm xã hội có xác định nơi bị tù, thời gian bị tù;

- Bản sao một trong các giấy tờ: Lý lịch quân nhân, lý lịch công an nhân dân (lập từ ngày 01 tháng 01 năm 1995 trở về trước); hồ sơ khen thưởng tổng kết thành tích tham gia kháng chiến; hồ sơ hưởng chế độ bảo hiểm xã hội;

- Bản sao giấy tờ, tài liệu khác có giá trị pháp lý lập từ ngày 01 tháng 01 năm 1995 trở về trước.

* Nơi bị tù: Nơi bị tù thuộc Danh mục nhà tù và những nơi được coi là nhà tù trong các thời kỳ kháng chiến để xem xét xác nhận người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày được ban hành kèm theo Thông tư 02/2019/TT-BLĐTBXH.

b) Ủy ban nhân dân cấp xã: Trong thời gian 05 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ, trường hợp nào đủ điều kiện thì xác nhận, lập danh sách kèm hồ sơ gửi Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện, thị xã, thành phố đề nghị giải quyết; những trường hợp chưa đủ cơ sở đề nghị giải quyết thì hướng dẫn bổ sung hoàn thiện hồ sơ; trường hợp không đủ điều kiện giải quyết thì phải có văn bản chuyển trả, giải thích và nêu rõ lý do.

c) Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện: Trong thời gian 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, có trách nhiệm kiểm tra, lập danh sách kèm hồ sơ quy định tại tiết a, điểm 2.1, khoản 2 Công văn này gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (qua Trung tâm phục vụ Hành chính công tỉnh);

d) Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: Tiếp nhận hồ sơ tại Trung tâm phục vụ Hành chính công tỉnh; trong thời gian 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, tài liệu đúng theo quy định, Phòng Người có công có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ, tham mưu lãnh đạo Sở ban hành quyết định trợ cấp, đồng thời phối hợp với Phòng Kế hoạch – Tài chính Sở thông báo cho Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội cấp huyện thực hiện chi trả trợ cấp cho đối tượng.

2.2. Đối với trường hợp được các cơ quan chức năng thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an xác nhận về thời gian tù và nơi bị tù, được thực hiện như sau:

a) Trường hợp đối tượng được các cơ quan chức năng thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đã trích xuất thông tin từ tàng thư của địch có nội dung phản ánh lý do bị bắt ghi là tình nghi tham gia công tác cách mạng, có ghi hoặc không ghi thời gian tham gia cách mạng, có ghi thời gian tù và địa điểm tù theo quy định thì chưa đủ cơ sở xem xét, xác lập hồ sơ giải quyết chế độ người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày.

b) Trường hợp đối tượng được các cơ quan chức năng thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đã trích xuất thông tin từ tàng thư của địch có nội dung phản ánh lý do bị bắt tù, đày là tham gia công tác cách mạng hoặc chức danh, công việc cụ thể đã làm cho cách mạng, có thể hiện thời gian tù và địa điểm tù ban hành kèm theo Danh mục nhà tù và những nơi được coi là nhà tù trong các thời kỳ kháng chiến ban hành kèm theo Thông tư số 02/2019/TT-BLĐTBXH thì được xem xét xác lập hồ sơ.

* Thủ tục hồ sơ và quy trình giải quyết đối với loại hồ sơ này như sau:

Do đối tượng chỉ có xác nhận về thời gian tù và nơi bị tù của các cơ quan chức năng thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an (không có giấy tờ chứng minh đã từng tham gia cách mạng hoặc hoạt động kháng chiến, hoặc thái độ chính trị sau khi ra tù), vì vậy, để hồ sơ xác nhận giải quyết trợ cấp người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày đảm bảo đúng đối tượng thì hồ sơ thực hiện theo quy trình, thủ tục như sau:

b1) Trách nhiệm cá nhân:

Lập bản khai cá nhân (mẫu TĐ2). Trường hợp người hoạt động cách mạng hoặc hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày đã chết mà chưa được hưởng chế độ ưu đãi người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày thì đại diện thân nhân lập bản khai (có biên bản uỷ quyền của thân nhân) (mẫu TĐ3) gửi UBND cấp xã (đối với huyện Lý Sơn thì hồ sơ gửi trực tiếp tại Ban Tổ chức, Nội vụ - Lao động, Thương binh và Xã hội huyện) kèm theo văn bản cung cấp thông tin/trả lời của các cơ quan chức năng thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an có thể hiện rõ ràng, đầy đủ nội dung tại tiết b, điểm 2.2, khoản 2 Công văn này.

b2) Trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân cấp xã: Tiếp nhận hồ sơ của công dân, kiểm tra nội dung kê khai và các giấy tờ, tài liệu kèm theo bản khai cá nhân nêu tại ý b1, tiết b, điểm 2.2, khoản 2 Công văn này. Hồ sơ kê khai đã đảm bảo các nội dung và giấy tờ kèm theo, thì:

- Trong thời gian 03 ngày, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, lập danh sách niêm yết công khai tại thôn, xóm, tổ dân phố và tại trụ sở Uỷ ban nhân dân cấp xã để lấy ý kiến nhân dân; đồng thời, thông báo công khai trên phương tiện phát thanh của địa phương trong thời gian tối thiểu là 10 ngày (việc tổ chức niêm yết phải công khai rõ số điện thoại, nơi tiếp nhận và người tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh của tổ chức/công dân để công dân biết);

- Kết thúc thời gian 10 ngày niêm yết lấy ý kiến nhân dân, UBND cấp xã lập biên bản niêm yết (mẫu số 01); tổ chức họp tại thôn, xóm, tổ dân phố để lấy ý kiến nhân dân đối với từng hồ sơ, lập biên bản cuộc họp (mẫu số 02), kèm theo danh sách hồ sơ được nhân dân đồng thuận, không có ý kiến thắc mắc, khiếu nại hoặc tố cáo;

- Tổ chức họp Hội đồng xác nhận người có công cấp xã; mời đại diện Ban chỉ đạo xác nhận người có công cấp huyện dự họp. Lập biên bản họp, ghi rõ từng ý kiến tham gia (mẫu số 03), kèm hồ sơ các trường hợp được cuộc họp nhất trí thông qua;

- Tổng hợp, lập danh sách kèm hồ sơ đủ điều kiện giải quyết, biên bản, tài liệu nêu trên, gửi Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện.

(Đối với Ban Tổ chức, Nội vụ - Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Lý Sơn thực hiện niêm yết công khai và họp lấy ý kiến Nhân dân, lập biên bản (mẫu 01, 02) như Ủy ban nhân dân cấp xã).

b3) Trách nhiệm của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện:

- Tiếp nhận hồ sơ do UBND cấp xã chuyển đến. Trong thời gian 07 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, tài liệu theo quy định do UBND cấp xã chuyển đến, tiến hành kiểm tra, phân loại hồ sơ:

+ Hồ sơ kê khai đầy đủ, nội dung rõ ràng và thủ tục đảm bảo đúng quy định;

+ Hồ sơ phải bổ sung hoặc xác minh thêm như: nội dung kê khai không đầy đủ, rõ ràng; giấy tờ, tài liệu trong hồ sơ có điểm mâu thuẫn thì phải tiến hành tổ chức xác minh; hướng dẫn bổ sung hoàn thiện hồ sơ;

+ Hồ sơ không đủ điều kiện giải quyết thì phải có văn bản chuyển trả, giải thích và nêu rõ lý do.

- Báo cáo Ban chỉ đạo xác nhận người có công huyện, thị xã, thành phố họp xét duyệt từng hồ sơ; lập biên bản xét duyệt (mẫu số 04);

- Trong thời gian 03 ngày kể từ ngày Ban chỉ đạo xác nhận người có công huyện, thành phố họp xét duyệt từng hồ sơ, căn cứ biên bản xét duyệt của Ban chỉ đạo, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội tổng hợp, lập danh sách kèm hồ sơ đủ điều kiện giải quyết, biên bản, tài liệu nêu trên, gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (qua Trung tâm phục vụ Hành chính công tỉnh).

b4) Trách nhiệm của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:

Tiếp nhận hồ sơ tại Trung tâm phục vụ Hành chính công tỉnh; trong thời gian 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, tài liệu đúng theo quy định, Phòng Người có công có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ, tham mưu lãnh đạo Sở ban hành quyết định trợ cấp, đồng thời phối hợp với Phòng Kế hoạch – Tài chính Sở thông báo cho Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội cấp huyện thực hiện chi trả trợ cấp cho đối tượng.

Việc xác nhận hồ sơ giải quyết hưởng trợ cấp người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày phải thực hiện đầy đủ theo đúng quy định, hướng dẫn. Địa phương nào đề nghị giải quyết hồ sơ xác nhận, hưởng trợ cấp ưu đãi không đúng đối tượng, không đủ điều kiện, trùng lặp mà Nhân dân hoặc cơ quan có thẩm quyền phát hiện thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Hồ sơ nào không đảm bảo quy định thì phải giải thích, hướng dẫn công dân kê khai đầy đủ, đúng quy định. Trường hợp nào không đảm bảo hoặc không đủ điều kiện giải quyết thì trả lời bằng văn bản cho công dân rõ; không thực hiện chuyển hồ sơ không đảm bảo các yếu tố nội dung kê khai, không đảm bảo giấy tờ kèm theo và hồ sơ không đủ điều kiện giải quyết về Sở.

                                                                                                                                                                                 N.T

Thống kê truy cập

Số lượt truy cập: 1894

Tổng số lượt xem: 9218012

Bản quyền © 2017 thuộc về UBND HUYỆN SƠN TÂY | Tỉnh Quảng Ngãi

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Phan Đình Trọng - Chánh Văn phòng HĐND&UBND huyện Sơn Tây.

Địa chỉ: Xã Sơn Mùa, huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi. ĐT: 0255.3868.279. Email: sontay@quangngai.gov.vn

ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang