Truy cập nội dung luôn

UBND HUYỆN SƠN TÂY TỈNH QUẢNG NGÃI

Một số nhiệm vụ trọng tâm trong triển khai thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2023-2025

07/11/2023 08:16    22

Ảnh minh họa

Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 đã và đang được các cấp, các ngành và địa phương trong cả nước triển khai đồng bộ, rộng khắp. Thời gian tới, để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả từ Chương trình, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã đề xuất một số giải pháp và nhiệm vụ trọng tâm để triển khai thực hiện Chương trình giai đoạn 2023-2025.

Theo Báo cáo Đánh giá tình hình thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2023, giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2023-2025 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, giai đoạn 2021-2023, Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững đã đạt được những thành quả tích cực, tuy nhiên bên cạnh đó công tác triển khai thực hiện Chương trình vẫn còn một số khó khăn, hạn chế. Trong đó: Việc ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện một số nội dung, hoạt động về quy định quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách trung ương thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021- 2025 và về giáo dục nghề nghiệp còn chậm so với yêu cầu tiến độ quy định tại Quyết định số 1705/QĐ-TTg ngày 12/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ; Một số văn bản hướng dẫn sau khi ban hành còn vướng mắc ảnh hưởng đến việc thực hiện Chương trình tại địa phương; Việc phân bổ vốn còn chưa đáp ứng yêu cầu về tiến độ; Kết quả giảm nghèo chưa bền vững do người dân dễ rơi vào tình trạng tái nghèo và phát sinh nghèo mới vì các lý do khách quan (ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu, thiên tai,... đến đời sống người nghèo); Một bộ phận nhỏ người dân vẫn còn tâm lý ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, chưa có ý thức và hỗ trợ người khác vươn lên thoát nghèo bền vững…
Giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2021-2025

Thời gian tới, để khắc phục những hạn chế, khó khăn vướng mắc trên, đồng thời nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện Chương trình, đảm bảo mục tiêu trọng tâm và xuyên suốt là giảm nghèo đa chiều, hạn chế tái nghèo, phát sinh nghèo; hướng đến cơ hội bình đẳng về thụ hưởng thành quả của sự phát triển,… Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đề xuất một số mục tiêu, nhiệm vụ và mức độ hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ Chương trình đến năm 2025, cụ thể:

Kết quả và chỉ tiêu chủ yếu của Chương trình

Phấn đấu giảm 1/2 số hộ nghèo và hộ cận nghèo so với đầu kỳ theo chuẩn nghèo đa chiều của quốc gia giai đoạn 2022-2025. Dự báo cuối năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo cả nước còn khoảng 0,9%, giảm bình quân khoảng 1,08%/năm đạt chỉ tiêu giảm bình quân 1-1,5%/năm Quốc hội, Chính phủ giao.

100% các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo được hỗ trợ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội liên kết vùng, phục vụ dân sinh, sản xuất, thương mại, lưu thông hàng hóa và cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản; ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, gồm: đường giao thông, trường học, cơ sở y tế, cầu, hạ tầng điện, công trình thủy lợi.

Hỗ trợ xây dựng, nhân rộng trên 1.000 mô hình, dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh nhằm tạo sinh kế, việc làm, thu nhập bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, dịch bệnh cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; người dân sinh sống trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo.
Phấn đấu 80% người có khả năng lao động, có nhu cầu thuộc hộ nghèo, hộ trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo được hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp nhằm đổi mới phương thức, kỹ thuật sản xuất, bảo đảm an ninh lương thực, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng, tăng thu nhập.

Phấn đấu hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo có ít nhất một thành viên trong độ tuổi lao động có việc làm bền vững. 100% cán bộ làm công tác giảm nghèo được bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng cơ bản về quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình, chính sách, dự án giảm nghèo; lập kế hoạch có sự tham gia, xây dựng kế hoạch phát triển cộng đồng và nghiệp vụ giảm nghèo.

Chỉ tiêu giải quyết mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản 

Chương trình cùng với hệ thống chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội góp phần giải quyết mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản, theo các chỉ tiêu cụ thể:

Chiều thiếu hụt về việc làm:  100% người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có nhu cầu được hỗ trợ kết nối, tư vấn, định hướng nghề nghiệp, cung cấp thông tin thị trường lao động, hỗ trợ tìm việc làm; Tối thiểu 100.000 người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, vùng nghèo, vùng khó khăn được hỗ trợ kết nối việc làm thành công; Tối thiểu 9.500 người lao động thuộc các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo được hỗ trợ đào tạo; trong đó, có khoảng 5.700 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (ít nhất 80% hộ gia đình có người đi làm việc ở nước ngoài sẽ thoát nghèo). Hỗ trợ khoảng 1.200 người lao động tham gia các khóa đào tạo nâng cao trình độ ngoại ngữ trước khi đi làm việc ở nước ngoài theo các Hiệp định ký giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ nước tiếp nhận.

Chiều thiếu hụt về y tế: 100% người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ tham gia bảo hiểm y tế; giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi trẻ em dưới 16 tuổi tại các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo xuống dưới 34%.

Chiều thiếu hụt về giáo dục, đào tạo: Tỷ lệ trẻ em thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo đi học đúng độ tuổi đạt 90%; Tỷ lệ người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và tỷ lệ người lao động thuộc vùng nghèo, vùng khó khăn qua đào tạo đạt 60%, trong đó có bằng cấp chứng chỉ đạt 25%; 100% người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người lao động có thu nhập thấp có nhu cầu được hỗ trợ đào tạo kỹ năng nghề phù hợp.

Chiều thiếu hụt về nhà ở: Tối thiểu 100.000 hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo được hỗ trợ nhà ở, đảm bảo có nhà ở an toàn, ổn định, có khả năng chống chịu tác động của thiên tai, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và giảm nghèo bền vững.

Chiều thiếu hụt về nước sinh hoạt và vệ sinh: 90% hộ nghèo, hộ cận nghèo sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; ít nhất 60% hộ nghèo, hộ cận nghèo sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh.

Chiều thiếu hụt về thông tin: 90% hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhu cầu được tiếp cận sử dụng các dịch vụ viễn thông, internet; 95% các hộ gia đình sinh sống địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo được tiếp cận thông tin về giảm nghèo bền vững thông qua các hình thức xuất bản phẩm, sản phẩm truyền thông.

Giải pháp quản lý, tổ chức thực hiện

Hoàn thiện cơ chế, chính sách giảm nghèo bền vững

Tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách giảm nghèo đa chiều gắn với mục tiêu phát triển bền vững, bảo đảm mức sống tối thiểu tăng dần và khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân theo Chỉ thị số 05-CT/TW của Ban Bí thư; đổi mới cách tiếp cận về giảm nghèo góp phần đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2026-2030, Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2026-2030, tiếp tục ưu tiên nguồn lực hỗ trợ đầu tư để đến năm 2030 cơ bản không còn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn; ban hành chính sách hỗ trợ có điều kiện; tăng cường tín dụng chính sách xã hội cho người nghèo.
Có chính sách khuyến khích doanh nghiệp và hợp tác xã liên kết trong sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, phát triển đa dạng các mô hình sản xuất có sự tham gia của các hộ nghèo, cận nghèo; hỗ trợ phát triển các mô hình sản xuất kinh doanh phù hợp với người nghèo, nhất là ở vùng nông thôn, miền núi.
Đẩy mạnh thực hiện chính sách phát triển kinh tế - xã hội liên vùng, tăng cường kết nối vùng đã phát triển với vùng khó khăn; có chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư ở những địa bàn khó khăn, gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh.

Điều hành, phối hợp trong quản lý, tổ chức thực hiện Chương trình

Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, phân công, phân cấp, xác định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành, tổ chức, cá nhân, nhất là trách nhiệm người đứng đầu trong công tác giảm nghèo. Chú trọng xây dựng và tổ chức thực hiện hiệu quả nghị quyết của cấp ủy về giảm nghèo; phân công cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền và đảng viên giúp đỡ hộ nghèo, địa bàn khó khăn.

Hoạt động truyền thông, thông tin

Nâng cao nhận thức, trách nhiệm đối với công tác giảm nghèo, xác định giảm nghèo góp phần quan trọng tạo động lực cho phát triển bền vững của đất nước; phát triển kinh tế phải gắn với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, đặt con người là trung tâm của sự phát triển trong điều kiện mới. Xác định công tác giảm nghèo là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; tuyên truyền, tạo sự thống nhất trong các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền và toàn xã hội về nhận thức và hành động, nhất là cấp cơ sở.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội, nhất là người dân nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong giảm nghèo bền vững; phát huy mạnh mẽ truyền thống đoàn kết, tinh thần "tương thân, tương ái" của dân tộc ta đối với người nghèo.

Đổi mới, đẩy mạnh, nâng cao chất lượng phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, phát huy nội lực vươn lên thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no, không trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước và xã hội của người dân và cộng đồng, phấn đấu “Vì một Việt Nam không còn đói nghèo”.

Theo dõi, giám sát, đánh giá Chương trình

Tiếp tục rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Thông tư số 10/2022/TT- BLĐTBXH ngày 31/5/2022 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 đảm bảo đơn giản hóa các mẫu biểu báo cáo, gắn các chỉ tiêu, kết quả thực hiện với thực tế triển khai; bổ sung các nội dung còn chưa hướng dẫn. Xây dựng, hoàn thiện Hệ thống quản lý chương trình mục tiêu quốc gia liên thông với Hệ thống giám sát, đánh giá chương trình mục tiêu quốc gia.
Tiếp tục tăng cường công tác giám sát, đánh giá; thanh tra, kiểm tra thực hiện Chương trình tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương. Có biện pháp phòng ngừa, kịp thời ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực, lãng phí, xử lý nghiêm các vi phạm trong quá trình thực hiện Chương trình.

Ứng dụng công nghệ thông tin trong rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hàng năm; hoàn thiện cơ sở dữ liệu về giảm nghèo để kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; hoàn thiện Hệ thống giám sát, đánh giá Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững kết nối với Hệ thống giám sát, đánh giá các chương trình mục tiêu quốc gia.

Giải pháp thực hiện Chương trình đến năm cuối năm 2025

Tổ chức triển khai thực hiện các dự án, tiểu dự án, chính sách giảm nghèo thường xuyên, tín dụng chính sách xã hội hỗ trợ giảm nghèo.

Thực hiện hiệu quả việc lồng ghép việc thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ giảm nghèo nói chung và cơ chế, chính sách giảm nghèo đặc thù với các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn cả nước, nhất là ở các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo.

Tiếp tục ưu tiên nguồn lực thực hiện Chương trình, đẩy mạnh huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong nước và quốc tế.

Nâng cao năng lực đội ngũ những người làm công tác giảm nghèo, những người tham gia thực hiện các nội dung của Chương trình để hỗ trợ người nghèo vươn lên thoát nghèo, hỗ trợ người dân nâng cao năng lực, không rơi vào tình trạng nghèo đói. Tổ chức học tập, trao đổi kinh nghiệm trong và ngoài nước cho các đối tượng trực tiếp tham gia thực hiện các dự án của Chương trình./.

 

                                                                                                      Nguồn: Tập chí con số & sự kiện (Ngọc Dân)

Thống kê truy cập

Số lượt truy cập: 1311

Tổng số lượt xem: 9270263

Bản quyền © 2017 thuộc về UBND HUYỆN SƠN TÂY | Tỉnh Quảng Ngãi

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Phan Đình Trọng - Chánh Văn phòng HĐND&UBND huyện Sơn Tây.

Địa chỉ: Xã Sơn Mùa, huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi. ĐT: 0255.3868.279. Email: sontay@quangngai.gov.vn

ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang