Truy cập nội dung luôn

UBND HUYỆN SƠN TÂY TỈNH QUẢNG NGÃI

Nâng cao nhận thức trách nhiệm xã hội về bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái

19/12/2023 10:10    12

Bảo vệ phụ nữ và trẻ em là trách nhiệm của toàn xã hội

Triển khai các chủ trương, chính sách về bình đẳng giới của Ðảng và Nhà nước, những năm qua các cấp, các ngành, địa phương, tổ chức và toàn xã hội đã cùng nhau chung tay tăng cường các hoạt động hỗ trợ xóa bỏ các hình thức phân biệt đối xử, bạo lực trên cơ sở giới. Tạo điều kiện để phụ nữ được tham gia và tăng cường vị thế của mình trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế - xã hội. Đồng thời thực hiện các biện pháp đảm bảo an sinh xã hội cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thúc đẩy thực hiện bình đẳng giới.

Xu thế số hóa đem lại nhiều cơ hội phát triển cho nhiều lĩnh vực, song cũng đặt ra mối lo ngại về bạo lực phụ nữ và trẻ em gái trên môi trường mạng. Để phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên không gian mạng, hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ phụ nữ và trẻ em trên môi trường mạng đã được bổ sung, hoàn thiện với nhiều quy định và giải pháp cụ thể.

Với những nỗ lực đó, khoảng cách và sự phân biệt giữa phụ nữ và nam giới đã được thu hẹp, phụ nữ Việt Nam đã vươn lên và khẳng định vai trò của mình trên nhiều lĩnh vực như: Tham gia vào bộ máy quản lý nhà nước, giữ vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế của gia đình và xã hội, giữ vai trò nòng cốt trong việc xây dựng gia đình no ấm hạnh phúc… Đội ngũ cán bộ phụ nữ ngày càng trưởng thành, nhiều tấm gương phụ nữ được xã hội ghi nhận, tôn vinh, giúp người phụ nữ tự tin hơn, mạnh mẽ và độc lập hơn trong cuộc sống.

Theo thống kê, tính đến tháng 12/2022, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ có lãnh đạo chủ chốt là nữ, chiếm tỷ lệ 50%, gần đạt được chỉ tiêu đề ra trong Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới (đến năm 2025 là 60%). Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XV đạt 30,26% - cao hơn mức trung bình của thế giới và khu vực, đứng đầu trong Hội đồng Liên minh nghị viện Hiệp hội các nước Đông Nam Á. Tỷ lệ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ đạt 26,5% - thuộc nhóm dẫn đầu khu vực Đông Nam Á. Việt Nam là một trong những nước đứng đầu về tỷ lệ nữ tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình với tỷ lệ 16% (so với tỷ lệ chung của các nước khoảng 10%). Qua đó, Việt Nam được đánh giá là 1 trong 10 quốc gia thực hiện tốt nhất mục tiêu số 5 về thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái trong các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc. Năm 2023, Việt Nam tăng 11 bậc về thu hẹp khoảng cách giới so với năm 2022 (từ thứ hạng 83 lên 72 trong số 146 nước tham gia xếp hạng).

Là tổ chức đại diện cho quyền lợi và lợi ích của phụ nữ, bảo vệ và thúc đẩy quyền bình đẳng giới và phát triển phụ nữ, những năm gần đây, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã chủ động thành lập các mạng lưới, Tổ tư vấn pháp luật và tâm lý, Tổ công tác tham mưu giải quyết các vụ việc, điểm nóng liên quan đến phụ nữ, trẻ em ở cả Trung ương và cấp tỉnh, thành phố... Tại cấp Trung ương, giai đoạn 2018–2021, Hội đã tham gia lên tiếng 108 vụ việc, đề xuất, kiến nghị tới cơ quan có thẩm quyền, các cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng biện pháp cần thiết để can thiệp, hỗ trợ, bảo vệ phụ nữ, trẻ em gái kịp thời, bảo đảm quy định của pháp luật.

Dù đạt được những kết quả trên, song thực tế bất bình đẳng giới vẫn còn khá phổ biến trong xã hội với nhiều hình thức khác nhau.

Tại Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề “Phát huy vai trò của phụ nữ Việt Nam trong thời đại mới” được tổ chức vào tháng 12/2023 mới đây, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai chỉ ra những vấn đề cần phải quan tâm. Đó là, một số chỉ tiêu của Nghị quyết 11 (2007) về công tác phụ nữ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vẫn chưa đạt được như cán bộ nữ tham gia cấp ủy Đảng các cấp đạt từ 25% trở lên (nhiệm kỳ 2020 - 2025, cấp tỉnh đạt 15,7%; cấp huyện đạt 17%; cấp đạt 20,8%); nữ đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp từ 35% đến 40% (nữ ĐBQH khóa XV đạt 30,26%; nữ đại biểu HĐND cấp tỉnh đạt 29%; cấp huyện đạt 29,08%; cấp xã đạt 28,98%).

Trong các hoạt động kinh tế, công việc của phụ nữ thường bị đánh giá thấp hơn nam giới. Phụ nữ thường làm việc trong các ngành nghề có thu nhập thấp hoặc những công việc dễ bị tổn thương. Khoảng cách thu nhập theo giới của Việt Nam có xu hướng giãn rộng. Theo số liệu Tổng cục Thống kê, năm 2022, thu nhập bình quân tháng của lao động nam là 7,6 triệu đồng; thu nhập bình quân tháng của lao động nữ là 5,6 triệu đồng. Như vậy, tiền lương bình quân tháng của lao động nam cao hơn nữ trung bình là khoảng 2,0 triệu đồng.

Bên cạnh đó, mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn chưa được giải quyết, để lại những hệ lụy không tốt, tác động trực tiếp đến đời sống, xã hội và sự phát triển bền vững của đất nước cả trong hiện tại và tương lai. Theo số liệu Tổng cục Thống kê, năm 2022, tỷ số giới tính khi sinh của Việt Nam ước tính là 111,6 bé trai/100 bé gái[1]. Bất bình đẳng giới còn được thể hiện rõ nét trong lĩnh vực giáo dục – đào tạo. Năm 2022, tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên biết chữ ở nữ là 95,1%, thấp hơn tỷ lệ 97,2% ở nam giới. Hơn nữa, nhiều gia đình có sự phân biệt đối xử giữa con trai và con gái trong làm công việc nhà.

Vấn đề bạo lực phụ nữ và trẻ em gái là một hình thức bất bình đẳng giới nghiêm trọng vẫn tồn tại, gây nhiều hậu quả tiêu cực đối với sự phát triển của xã hội. Theo Báo cáo điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam gần đây nhất được Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc và Tổng cục Thống kê thực hiện, công bố năm 2020 cho thấy, cứ 10 phụ nữ thì có 01 người (11,4%) trải qua bạo lực thể xác từ khi 15 tuổi do người khác gây ra. Ở Việt Nam, phụ nữ bị chồng bạo lực nhiều hơn so với việc bị người khác bạo lực. Cứ 03 phụ nữ thì có gần 02 phụ nữ (tức gần 63%) bị một hoặc hơn một hình thức bạo lực thể xác, tình dục, tinh thần và bạo lực kinh tế cũng như kiểm soát hành vi do chồng gây ra trong cuộc đời. Phụ nữ khuyết tật bị các hình thức bạo lực do chồng gây ra cao hơn so với phụ nữ không bị khuyết tật. Theo ước tính, tổn thất kinh tế cho cả xã hội từ các hành vi bạo lực của chồng đối với vợ có thể chiếm đến 1,78-1,81% GDP hàng năm ở Việt Nam.

Điều đáng nói là trong những năm gần đây, các vụ bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em hầu hết do chính người thân, người có trách nhiệm quản lý, nuôi dưỡng gây ra, nên chưa được phát hiện và xử lý kịp thời. Chỉ khi xảy ra hậu quả nghiêm trọng hoặc khi có hình ảnh phát tán, cơ quan chức năng mới biết, lên tiếng và ngăn chặn xử lý....

Những vụ bạo lực phụ nữ và trẻ em gia xảy ra vẫn chủ yếu xuất phát từ định kiến giới, tư tưởng trọng nam khinh nữ vốn có từ lâu nay trong trong xã hội Việt Nam. Quan điểm nam giới là trụ cột gia đình, có quyền quyết định các vấn đề lớn và là người đại diện ngoài cộng đồng vẫn còn tồn tại, khiến đôi vai người phụ nữ phải gánh nặng công việc nội trợ, chăm sóc các thành viên trong gia đình.

Trong nhiều trường hợp, ngay cả những người trong cuộc cũng thiếu kỹ năng kiến thức, kỹ năng xử lý tình huống, chưa biết cần phải lên tiếng để bảo vệ bản thân. Nhưng cũng không ít người trong số họ tự ti, chấp nhận cam chịu, nín nhịn, không dám công khai, báo cáo, lên tiếng tố cáo hành vi bạo lực gia đình. Báo cáo điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam 2020, 50% phụ nữ bị chồng bạo lực chưa bao giờ kể với bất kỳ ai. Hầu hết phụ nữ (90,4%) bị bạo lực thể xác và/hoặc tình dục do chồng gây ra không tìm kiếm bất kỳ sự hỗ trợ nào từ các cơ quan chính quyền. Điều này tạo điều kiện cho những hành vi bạo lực tiếp diễn.

Điều đáng nói là không ít người dân cho rằng bạo lực phụ nữ và trẻ em gái là chuyện riêng của mỗi gia đình. Vì vậy họ chưa có ý thức phát hiện, tố giác hoặc ngăn chặn tội phạm. Nhưng điều đáng lo ngại nhất chính là sự thờ ơ, sự im lặng của một bộ phận người dân đối với vấn đề bạo lực gia đình nói chung và bạo lực phụ nữ, trẻ em gái nói riêng khiến người bị bạo lực không dám lên tiếng và tìm kiếm sự giúp đỡ. Đặc biệt, “văn hóa đổ lỗi”, thái độ biện minh, dung túng cho bạo lực, coi các hành vi bạo lực là bình thường, chấp nhận được đang là một vấn đề của đạo đức xã hội hiện nay. Bên cạnh đó, trong một số trường hợp, người dân khi can thiệp hay tố giác vụ việc bị đánh đập hay trả thù, khiến mọi người có tâm lý sợ hãi, có thái độ bàng quan, thờ ơ với những vụ bạo lực phụ nữ và trẻ em.

Tất các nguyên nhân trên xuất phát từ một nguyên nhân sâu xa là sự hạn chế nhận thức của một bộ phận người dân về trách nhiệm bảo vệ phụ nữ và trẻ em trong xã hội.

Phụ nữ và trẻ em, đặc biệt trẻ em gái luôn là nhóm yếu thế có thể trở thành nạn nhân bị xâm hại, bạo lực bất kỳ nơi nào, lúc nào. Để bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái, vấn đề quan trọng cốt yếu vẫn là nâng cao nhận thức của toàn xã hội về trách nhiệm bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái, trong đó công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật về phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới vẫn là giải pháp quan trọng nhất.

Các cấp, các ngành và đặc biệt là địa phương, tổ chức cơ sở cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật sâu rộng về Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, để mỗi cơ quan, tổ chức, gia đình và mỗi người dân đều nhận biết rõ việc tố cáo, lên tiếng về hành vi bạo lực phụ nữ và trẻ em là nghĩa vụ và trách nhiệm.

Cần nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác xã hội, đoàn thể để họ có những tiếng nói mạnh mẽ bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái; phối hợp, hỗ trợ lực lượng công an tại các cấp cơ sở trong điều tra xử lý tội phạm. Phát huy công năng của các đường dây nóng để người dân tin tưởng và báo tin tố giác, tham vấn khi bị hoặc có nguy cơ bị xâm hại.

Cần nâng cao năng lực cho lực lượng thực thi pháp luật nhằm đáp ứng hiệu quả trong công tác phòng, chống tội phạm, bảo vệ an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái. Tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng; cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ trẻ em, các tổ chức xã hội, đoàn thể, tổ chức quốc tế và chính quyền địa phương trong công tác đấu tranh phòng, chống bạo lực, quấy rối, xâm hại tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái để xây dựng môi trường hỗ trợ pháp lý mạnh mẽ, xử lý nghiêm những hành vi bạo lực.

Bên cạnh đó, cần tăng cường giáo dục kiến thức về bình đẳng giới cho người dân, để mọi phụ nữ và trẻ em gái có kỹ năng tự bảo vệ, phòng ngừa bạo lực, xâm hại, biết lên tiếng để tìm sự trợ giúp của mọi người, của các cơ quan đoàn thể và chính quyền địa phương.

Nhìn nhận đầy đủ, sâu sắc, toàn diện về vai trò của phụ nữ Việt Nam và công tác phụ nữ trong thời đại mới; sự nhận thức rõ ràng về trách nhiệm bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái trong toàn xã hội sẽ đóng góp quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển của đất nước.

Nguồn: Tạp chí Con số & sự kiện (Nguyễn Dân)

 

Thống kê truy cập

Số lượt truy cập: 1098

Tổng số lượt xem: 9358801

Bản quyền © 2017 thuộc về UBND HUYỆN SƠN TÂY | Tỉnh Quảng Ngãi

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Phan Đình Trọng - Chánh Văn phòng HĐND&UBND huyện Sơn Tây.

Địa chỉ: Xã Sơn Mùa, huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi. ĐT: 0255.3868.279. Email: sontay@quangngai.gov.vn

ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang