Truy cập nội dung luôn

UBND HUYỆN SƠN TÂY TỈNH QUẢNG NGÃI

Nuôi cá lồng bè trong hồ Đăkđrinh - Không chủ quan trong mùa mưa lũ

27/11/2019 03:52    28

Trong hai năm trở lại đây, một số hộ dân đã tự phát đầu tư hàng trăm triệu đồng làm các lồng bè để nuôi cá trong khu vực lòng hồ thủy điện Đăkđrinh, huyện Sơn Tây. Lợi nhuận dự kiến mang lại rất khả quan, nhưng chủ lồng cũng không thể chủ quan khi mùa mưa lũ về.

Tận dụng được lợi thế nguồn nước trong, mát lành, cộng với dòng chảy liên tục, cung cấp lượng thức ăn phong phú, thời gian qua, một số hộ dân đã triển khai mô hình trên lòng hồ thủy điện Đăkđrinh, thuộc địa phận thôn Nước Lang, xã Sơn Dung. Ông Võ Tấn Tám, ở xã Sơn Trung, huyện Sơn Hà lên định cư, tạm trú tại thôn Nước Lang, xã Sơn Dung, huyện Sơn Tây để nuôi cá từ tháng 2/2018. Chỉ riêng cá Trê, sau gần 2 năm, ông thả nuôi 18.000 con cá giống, với khoảng gần 6 lứa trên hồ thủy điện, sau khi trừ lợi nhuận, ông thu về khoảng 20 triệu đồng/vụ; trong khi đó cá Trê chỉ là một trong vài loại cá được nuôi với hình thức lấy ngắn nuôi dài để triển khai mô hình nuôi cá chình. Ông Võ Tấn Tám chia sẻ: “Tôi lên nuôi cá trên này là tự đăng ký tạm trú rồi nuôi. Nuôi cá trên lòng hồ này tận dụng nguồn thức ăn dễ đánh bắt tại chỗ (như cá rô) nên cá trê phát triển tốt. Chứ như ở hồ Nước Trong thì không đủ nguồn thức ăn cho cá, mà mua cám thì không chịu nổi. Tạm thời tôi thả nuôi cá Trê để lấy ngắn nuôi dài, vì tôi cũng đang thả nuôi cá Chình”.

Ông Trương Ngọc Thành, hộ nuôi cá trên lòng hồ thủy điện Đăkđrinh tìm hiểu và thả nuôi bèo trên mặt hồ để tạo bóng mát và làm sạch nước cho cá phát triển tốt hơn

Cũng tại khu vực này, ông Trương Ngọc Thành, quê ở huyện Sơn Tịnh lại chọn mô hình nuôi cá Thác Lác. Ở diện tích lồng nuôi gần 40m2, ông Thành thả nuôi 5.000 con, với chu kỳ nuôi khoảng 12 tháng mới xuất bán. Với việc nuôi cá Thác Lác thì để tạo điều kiện cho cá sinh trưởng phát triển tốt, ông Thành tìm hiểu các nơi về cách nuôi và đã thả bèo trên mặt hồ nhằm tạo bóng mát, cảnh quan, môi trường tự nhiên cho cá. Ông Trương Ngọc Thành cho biết: “Việc trồng bèo trên mặt hồ là để tạo bóng mát cho cá, ngoài ra còn làm giảm lượng tạp chất bẩn của nước, giúp cá phát triển tốt hơn. Bình quân 01 con cá Thác Lác nuôi từ 10 đến 12 tháng, sau khi trừ các chi phí, mỗi đợt xuất bán ông còn lãi khoảng trên 50.000 đồng”.

Mô hình nuôi cá trên lòng hồ thủy điện Đăkđrinh bước đầu mang lại hiệu quả cho các hộ nuôi khi tận dụng được nguồn nước trong lành, với dòng chảy liên tục, lượng thức ăn phong phú, tốn ít chi phí đầu tư. Tuy nhiên,  các hộ nuôi không nên chủ quan vào mùa mưa lũ. Trong đợt bão vừa qua, ông Tám thiệt hại khoảng 100 triệu đồng khi thí điểm mô hình cá Chình do nguồn nước trong hồ không đảm bảo an toàn. Ông Võ Tấn Tám trăn trở: “Vừa rồi tôi thả 2 lần cá Chình nhưng nước lũ về độc quá cá chết hết, mặc dù tôi đã cẩn thận chuẩn bị máy sục khí ôxy nhưng không cứu vãn được. Thiệt hại cũng 100 triệu đồng tiền lồng và cá”.

Tại khu vực lòng hồ thủy điện Đăkđrinh chỉ có vài hộ nuôi cá. Phần lớn các hộ dân đều nuôi với tính chất tự phát, vay vốn để nuôi và đánh cược vào sự may rủi của điều kiện tự nhiên tại khu vực lòng hồ. Về lâu dài, chính quyền địa phương, các cấp ngành cần có phương án hỗ trợ, nhất là trong việc ứng dụng kỹ thuật để mô hình đạt hiệu quả cao và nhân ra diện rộng.

Bài, ảnh: Bảo – Hậu 

Thống kê truy cập

Số lượt truy cập: 1409

Tổng số lượt xem: 9220573

Bản quyền © 2017 thuộc về UBND HUYỆN SƠN TÂY | Tỉnh Quảng Ngãi

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Phan Đình Trọng - Chánh Văn phòng HĐND&UBND huyện Sơn Tây.

Địa chỉ: Xã Sơn Mùa, huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi. ĐT: 0255.3868.279. Email: sontay@quangngai.gov.vn

ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang