Hội nghị tham quan đầu bờ Mô hình cải tạo thâm canh 10ha măng Vót...
Hiệu quả kinh tế của mô hình cải tạo, thâm canh măng Vót cao hơn so với ngoài mô hình là 8,78% (22,583 triệu đồng/ha); từ năm thứ hai trở đi năng suất trong mô hình tăng từ 25% - 43,75%, nâng cao hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích canh tác 16,1% (41,633 triệu đồng/ha); từ năm thứ 03 trở đi, năng suất trong mô hình ổn định bình quân đạt 23 tấn/ha/năm, giá trị kinh tế gia tăng đạt từ 35% trở lên so với ngoài mô hình. Như vậy, 01 ha mô hình cải tạo và thâm canh rừng nứa trong kỳ dự án (03 năm) có thể cho tổng sản lượng măng tươi là 61 tấn, đem lại tổng doanh thu từ măng nguyên liệu là 915 triệu đồng và lãi ròng là 829,250 triệu đồng, giá trị kinh tế gia tăng so với diện tích không đầu tư cải tạo thâm canh là 150,850 triệu đồng, tăng 20,18%. Với các mô hình chế biến các sản phẩm măng Vót như trên và từ kết quả hạch toán hiệu quả kinh tế cho thấy, măng Vót sau khi chế biến thì giá trị đã gia tăng thêm bình quân khoảng 3.570 đồng/1kg măng nguyên liệu.
01 ha mô hình cải tạo và thâm canh rừng nứa trong kỳ dự án, có giá trị kinh tế gia tăng là 150,850 triệu đồng; măng nguyên liệu được sử dụng để chế biến các sản măng Vót thì giá trị gia tăng 218,22 triệu đồng. Tổng giá trị gia tăng khoảng 369 triệu đồng/ha.
Khi dự án thực hiện thành công và dự kiến kết quả được duy trì, nhân rộng thì ngoài lợi nhuận hàng năm mang lại cho hộ nông dân trong vùng dự án, còn giải quyết công ăn việc làm cho người dân. Qua đó, góp phần vào công cuộc giảm nghèo cũng như giải quyết công nhàn rỗi ở huyện Sơn Tây.
Các đại biểu tham quan quy trình sản xuất các sản phẩm từ măng Vót
Ngoài ra, thông qua công tác đào tạo, tập huấn và hội nghị tham quan đầu bờ sẽ giúp cho các hộ nông dân trong và ngoài vùng dự án nắm bắt các tiến bộ kỹ thuật mới, qua đó sẽ áp dụng vào thực tiễn sản xuất để từng bước làm giàu ngay trên diện tích đất vốn có của mình.
Việc thực hiện theo chuỗi liên kết sẽ góp phần giúp thay đổi nhận thức của người dân trong việc triển khai sản xuất các sản phẩm nông nghiệp. Đặc biệt trong xu hướng hội nhập với nền kinh tế thế giới việc tạo chuỗi liên kết sẽ tạo cho sức cạnh tranh lớn của sản phẩm khi đưa ra thị trường, đồng thời giúp người dân an tâm sản xuất.
Dự án thành công sẽ tạo điều kiện mở rộng sản xuất, chế biến các sản phẩm từ cây măng Vót (măng muối chua, măng dầm tỏi ớt, măng sấy khô) được làm từ nguyên liệu măng Vót tại địa phương tạo tiền đề để phát triển diện tích sản xuất măng Vót trên địa bàn, làm cho nhiều nông dân chuyển từ sản xuất có giá trị thấp sang sản xuất măng Vót chất lượng cao có giá trị, nâng cao hiệu quả kinh tế sản xuất trên một đơn vị diện tích. Góp phần phát triển kinh tế, ổn định chính trị xã hội, an ninh quốc phòng tại địa phương.
Các đại biểu chụp hình lưu niệm tại nhà máy chế biển sản phẩm măng Vót tại Sơn Tây
Việc lựa chọn cây măng Vót làm cây trồng nâng cao độ che phủ đất, giảm xói mòn, hạn chế cỏ dại, cải tạo đất, tăng độ phì nhiêu; kết hợp chăm sóc cây măng Vót hàng năm chăm sóc luôn cây rừng. Cây măng Vót cho thu hoạch tương đối ổn định, ít phụ thuộc vào thời tiết, tạo ra cây trồng có giá trị cho người nông dân, làm thay đổi phương thức canh tác độc canh, có lợi cho môi trường, mang lại hiệu quả kinh tế cao trên một đơn vị diện tích rừng.
Được biết, tại Sơn Tây, măng Vót tươi một phần được người dân sử dụng, phần còn lại sẽ được HTX thu mua và cung ứng nguyên liệu đầu vào cho Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Sơn Tây chế biến tạo ra các sản phẩm: măng muối chua, măng dầm tỏi ớt, măng sấy khô bao gói chân không. Các sản phẩm này, sẽ được các Doanh nghiệp trực tiếp ký hợp đồng bao tiêu. Bên cạnh đó, các dòng sản phẩm: măng muối chua, măng dầm tỏi ớt, măng sấy khô bao gói chân không được ứng dụng khoa học kỹ thuộc công nghệ, máy móc, thiết bị, đem lại chất lượng sản phẩm tốt so với các dòng sản phẩm trên thị trường nên khả năng về thị trường ở địa phương và xuất khẩu đi các tỉnh/thành khác là rất lớn.
Thanh Khánh