Trang thông tin điện tử

Huyện Sơn Tây

A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nâng cao chất lượng dân số tại Việt Nam

Dân số vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển xã hội, do đó dân số luôn là vấn đề rất được quan tâm của nhiều quốc gia trên thế giới ở mọi thời đại bởi dân số và phát triển có mối quan hệ mật thiết, khăng khít và thúc đẩy lẫn nhau trong xã hội. Muốn tăng trưởng và phát triển kinh tế-xã hội phải dựa vào yếu tố cơ bản là nguồn nhân lực. Do vậy, nâng cao chất lượng dân số sẽ tạo nền tảng cho sự phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao góp phần phát triển nhanh, bền vững của mỗi quốc gia.

          Chất lượng dân số được hiểu là tổng hợp những thuộc tính bản chất của dân số gồm các yếu tố về thể lực, trí lực, tinh thần của con người phù hợp với quy mô, cơ cấu dân số và với trình độ phát triển kinh tế-xã hội. Chất lượng dân số được đánh giá thông qua các nhóm chỉ tiêu về dân số, về nhân khẩu, chỉ tiêu về đánh giá chất lượng con người, chỉ tiêu về môi trường kinh tế-xã hội tạo điều kiện cho sự phát triển, hoàn thiện con người. Chất lượng dân số được xác định là nhân tố ảnh hưởng đến quá trình phát triển của quốc gia, là “vốn con người”.

          Tại Hội nghị quốc tế về Dân số và Phát triển được tổ chức tại Cairo (Ai Cập) năm 1994 đã đề cập tới chất lượng dân số. Chương trình hành động của Hội nghị đã nhấn mạnh “Con người là nguồn lực quan trọng nhất, do đó để phát triển bền vững thì phải nâng cao chất lượng cuộc sống cho con người”. Các nước đưa mục tiêu nâng cao chất lượng dân số vào các chương trình dân số- kế hoạch hoá gia đình, lồng ghép vào các chiến lược, kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế quốc gia. Nhiệm vụ, mục tiêu nâng cao chất lượng dân số tuỳ thuộc vào sự phát triển kinh tế-xã hội, thậm chí là thể chế chính trị của mỗi quốc gia.

          Ở nước ta, năm 2017, tại Nghị quyết số 21-NQ/TW Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành TW khoá XII về công tác dân số trong tình hình mới đã nhấn mạnh “Công tác dân số phải chú trọng toàn diện các mặt quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ hữu cơ với các yếu tố kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và bảo đảm phát triển nhanh, bền vững”. Sau đó, trong Báo cáo Chính trị Đại hội XIII (2021) tiếp tục khẳng định: “Xây dựng và thực thi có hiệu quả chính sách dân số và phát triển, phát huy lợi thế thời kỳ dân số vàng, đồng thời chuẩn bị điều kiện thích ứng với già hoá dân số, nâng cao chất lượng dân số, bảo đảm mức tăng dân số hợp lý và cân bằng giới tính khi sinh”. Nâng cao chất lượng dân số đã được ghi nhận như là một trong những đột phá chiến lược và định hướng phát triển đất nước trong giai đoạn 2021-2030.
          Không chỉ vậy, vấn đề nâng cao chất lượng dân số tại Việt Nam còn được thể hiện khá đầy đủ, cụ thể tại Quyết định số 1679/QĐ-TTg ngày 22/11/2019 về Chiến lược phát triển dân số Việt Nam đến năm 2030 với: Quan điểm chỉ đạo là tập trung mọi nỗ lực chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hoá gia đình sang thực hiện và đạt được các mục tiêu toàn diện cả về quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là nâng cao chất lượng dân số và được đặt trong mối quan hệ hữu cơ với các yếu tố kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh.

          Mục tiêu tổng quát: Duy trì vững chắc mức sinh thay thế, đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên, tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hoá dân số, phân bố dân số hợp lý và nâng cao chất lượng dân số, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững. Trong đó, mục tiêu nâng cao chất lượng dân số, bao gồm các chỉ tiêu cụ thể: Tỉ lệ cặp nam nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khoẻ trước khi kết hôn đạt 90%. Giảm 50% số cặp tảo hôn, giảm 60% số cặp hôn nhân cận huyết thống. 70% phụ nữ mang thai được tầm soát ít nhất 4 loại bệnh tật bẩm sinh phổ biến nhất. 90% trẻ sơ sinh được tầm soát ít nhất 5 bệnh bẩm sinh phổ biến nhất. Tuổi thọ bình quân đạt 75 tuổi, trong đó thời gian sống khoẻ mạnh đạt tối thiểu 68 năm. Chiều cao người VN với nam đạt 168,5 cm, nữ đạt 157,5 cm ở tuổi 18. Chỉ số HDI nằm trong nhóm 4 nước hàng đầu khu vực Đông Nam Á.

          Cũng trong Chiến lược này đã nêu rõ các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể và phân theo giai đoạn: Giai đoạn 1 (2019-2021): Xây dựng mô hình, chuẩn bị nguồn lưc: Ban hành các chính sách, phát triển dân số. Hoàn thiện việc kiện toàn tổ chức…; Giai đoạn 2 (2022-2030): Mở rộng và triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện Chiến lược dân số, đặc biệt chú ý tới nâng cao chất lượng dân số phải thực hiện từng bước ngay từ giai đoạn 1.

          Dù có nhiều khó khăn (chủ quan và khách quan) như: Những diễn biến phức tạp của dịch Covid 19 kéo dài hơn hai năm vừa qua, biến đổi khí hậu, sự cạnh tranh khốc nghiệt trong hội nhập kinh tế và chuyển đổi số trên toàn cầu; hay những thách thách thức trong công tác dân số cũng như nâng cao chất lượng dân số… nhưng theo nhận định của một số chuyên gia, mục tiêu nâng cao chất lượng dân số tại Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 có nhiều khả năng sẽ thực hiện được.

          Một số nguyên nhân đưa đến nhận định lạc quan này, đó là:

          - Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, tiến hành vào đầu năm 2021 trong đó nội dung nâng cao chất lượng dân số là một trong những điểm đột phá trong sự phát triển đất nước bền vững… Nội dung này đã và đang được cả hệ thống chính trị thực hiện, kỳ vọng sẽ đem lại những kết quả tích cực.

          - Những năm gần đây, nhiều chính sách, chương trình, kế hoạch, đề án đã được xây dựng, ban hành với sự liên kết chặt chẽ với nhau, trong đó luôn đề cập tới nâng cao chất lượng dân số. Cụ thể: Các kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội hàng năm và nhiều năm; Giai đoạn 2021-2025 với việc triển khai đồng bộ 03 Chương trình mục tiêu quốc gia, bao gồm: Xây dựng nông thôn mới, Giảm nghèo bền vững, Phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Quyết định Chiến lược phát triển nhân lực Việt Nam thời kỳ 2011-2020; Chiến lược phát triển dân số Việt Nam đến năm 2030; Chương trình phát triển giáo dục, y tế; Các chính sách và biện pháp nâng cao thu nhập của nhân dân (trong đó có vấn đề tiền lương,..). Gần đây nhất, ngày 14/7/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 841/QĐ-TTg về Lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững Việt Nam đến năm 2030 với trọng tâm là 17 mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) do Liên hợp quốc thông qua vào tháng 9 năm 2015;…  

          - Các thành tựu phát triển kinh tế-xã hội nói chung, đặc biệt công tác dân số của nước ta thời gian qua đã có nhiều tín hiệu tích cực: Tốc độ gia tăng dân số đã được khống chế thành công. Mức sinh thay thế được duy trì trong suốt 16 năm qua. Cơ cấu dân số chuyển dịch tích cực. Dân số trong độ tuổi lao động tăng mạnh. Chất lượng dân số được cải thiện về nhiều mặt. Tuổi thọ trung bình tăng nhanh, đạt 73,6 tuổi vào năm 2021 và cao hơn so với mức trung bình của khu vực Đông Nam Á. Tình trạng suy dinh dưỡng, tử vong bà mẹ, trẻ em giảm mạnh. Tầm vóc, thể lực người Việt Nam được cải thiện.

          Một số thành tựu trong việc nâng cao chất lượng dân số có thể kể đến như: Tỷ suất chết trẻ em dưới 1 tuổi (IMR) và tỷ suất chết trẻ em dưới 5 tuổi (U5MR) đều giảm mạnh. Năm 2020, tỷ suất chết trẻ em dưới 1 tuổi là 13,9 trẻ tử vong trên 1.000 trẻ sinh sống. Tỷ suất chết trẻ em dưới 5 tuổi là 22,3 trẻ tử vong trên 1.000 trẻ sinh sống. Tỷ số chết mẹ giảm mạnh hiện chỉ còn 46 ca/100.000 trẻ sinh ra sống năm 2019.

          Tầm vóc thể lực của người Việt Nam có bước cải thiện. Chiều cao ở nhóm thanh niên nam 18 tuổi có sự thay đổi đáng kể, năm 2020 nam đạt 168,1cm, nữ đạt 156,2cm. Tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em tuổi học đường (5-19 tuổi) năm 2020 còn 14,8%.

          Cùng với đó, chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam gia tăng, xếp hạng theo giá trị HDI của Việt Nam đã được xếp vào nhóm nước HDI cao. Trong đó, theo Báo cáo “Chỉ số phát triển con người Việt Nam giai đoạn 2016-2020” của Tổng cục Thống kê, trong giai đoạn 2016-2020, kinh tế-xã hội của cả nước nói chung và sự phát triển con người nói riêng đạt được những thành tựu quan trọng. Chỉ số tổng hợp HDI của Việt Nam đã tăng từ 0,682 năm 2016 lên 0,687 năm 2017; 0,693 năm 2018; 0,703 năm 2019 và 0,706 năm 2020. So với năm trước, HDI năm 2017 tăng 0,005 với tốc độ tăng 0,73%; 2018 tăng 0,006 và tăng 0,87%; 2019 tăng 0,10 và tăng 1,44%; 2020 tăng 0,003 và tăng 0,43%. Tính chung những năm 2016-2020 tăng 0,024 với tốc độ tăng 3,52%; bình quân mỗi năm tăng 0,87%.
          Theo tiêu chuẩn và sự phân chia HDI thành 4 nhóm của UNDP, HDI của Việt Nam đã từ nhóm trung bình những năm 2016-2018 lên nhóm cao trong năm 2019-2020. Thứ hạng HDI của Việt Nam tăng từ vị trí 118 năm 2016; 119 năm 2017 và 118 năm 2018 lên vị trí 117 năm 2019 trong tổng số 180 quốc gia, vùng lãnh thổ thế giới.

          Năm 2021, theo Báo cáo Phát triển con người (HDR) toàn cầu 2021/2022, HDI của Việt Nam là 0,703, tăng hai bậc trong bảng xếp hạng toàn cầu, từ 117/189 quốc gia vào năm 2019 lên 115/191 quốc gia trong năm 2021. UNDP cũng đã đưa ra nhận định, Việt Nam thuộc Nhóm Phát triển con người cao từ năm 2019 và đã đạt tiến bộ ổn định trong cả ba khía cạnh của HDI kể từ những năm 1990. Chỉ số Bất bình đẳng giới (GII) của Việt Nam (đo lường sự sụt giảm phát triển con người do bất bình đẳng giữa nam và nữ) tiếp tục được cải thiện vào năm 2021. GII của Việt Nam là 0,296, xếp hạng 71 trong số 170 quốc gia. Tỷ lệ trẻ em gái đi học và phụ nữ tham gia lực lượng lao động tăng... Điều này cho thấy sự tiến bộ và ổn định của Chỉ số con người tại Việt Nam.

          Có thể thấy, với sự quyết tâm và những nỗ lực nhằm nâng cao chất lượng dân số nói riêng và phát triển toàn diện các mặt kinh tế-xã hội đất nước nói chung, tin tưởng rằng Việt Nam sẽ sớm đạt được các mục tiêu trong nâng cao chất lượng dân số (đạt các chỉ tiêu về nâng cao toàn diện cả về thể lực, trí lực và tâm lực của con người, phù hợp với quy mô, cơ cấu dân số và trình độ phát triển kinh tế - xã hội, chú trọng đào tạo kỹ năng, chăm sóc sức khỏe và giáo dục tâm hồn, đạo đức) đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước trong giai đoạn tới, từng bước hoàn thành mục tiêu đưa đất nước trở thành nước phát triển, có thu nhập cao trên thế giới./.

 

                                                                      Nguồn: Tạp chí con số & sự kiện (Nguyễn Dân)


Kết quả giải quyết hồ sơ

Thủ tục hành chính

Tin video

Thông tin tiện ích