Trang thông tin điện tử

Huyện Sơn Tây

A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chiến lược dữ liệu quốc gia - Không gian hoạt động cho Chính phủ...

Chiến lược dữ liệu quốc gia đến năm 2030 với tầm nhìn mở ra không gian hoạt động và phát triển mới cho Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, là nhân tố thúc đẩy tăng năng lực cạnh tranh quốc gia, đảm bảo cho tiến trình chuyển đổi số thành công, đưa Việt Nam trở thành quốc gia số an toàn. Không những thế, dữ liệu còn được kỳ vọng góp phần chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế, đưa Việt Nam vượt qua mức thu nhập trung bình thấp, đạt được mục tiêu trở thành nước thu nhập cao.

Việt Nam đặt mục tiêu phát triển hạ tầng dữ liệu đến năm 2030, tất cả các Trung tâm dữ liệu quốc gia, Trung tâm dữ liệu vùng, khu vực, Trung tâm cấp quốc gia về lưu trữ dữ liệu lớn và tính toán hiệu năng cao trên cả nước được bảo đảm kết nối thành công, tạo thành một mạng lưới chia sẻ năng lực tính toán, xử lý dữ liệu lớn phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa của đất nước. Cùng với đó, các nền tảng điện toán đám mây Chính phủ và các nền tảng ứng dụng trên thiết bị di động make in Viet Nam đảm bảo sẵn sàng đáp ứng tất cả nhu cầu lưu trữ, thu thập, kết nối, chia sẻ dữ liệu của Việt Nam, nhu cầu đảm bảo an toàn thông tin, an ninh mạng và bảo mật thông tin theo cấp độ quy định của Luật An toàn thông tin mạng.
Để phục vụ Chính phủ số, tất cả các cơ sở dữ liệu quốc gia trong danh mục cơ sở dữ liệu quốc gia cần ưu tiên triển khai tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử, hoàn thành việc số hóa, cập nhật và đưa vào sử dụng hiệu quả; được kết nối, chia sẻ với kho dữ liệu tổng hợp tại Trung tâm dữ liệu quốc gia và kết nối, chia sẻ trên phạm vi toàn quốc. Các cơ sở dữ liệu dùng chung và chuyên ngành của các Bộ, ngành, địa phương có nhu cầu kết nối, khai thác, tích hợp, chia sẻ thông tin với các cơ sở dữ liệu quốc gia hoặc nhu cầu kết nối, chia sẻ thông tin với nhau, được đáp ứng 100% yêu cầu thông qua các nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu. Tất cả các cơ quan nhà nước cấp bộ, cấp tỉnh mở và cung cấp dữ liệu mở đảm bảo chất lượng, đưa vào khai thác sử dụng có hiệu quả, đảm bảo sẵn sàng hỗ trợ, phục vụ cho các hoạt động chỉ đạo điều hành, ban hành chính sách của cơ quan nhà nước và phục vụ phát triển các ứng dụng trí tuệ nhân tạo cho phát triển kinh tế số, xã hội số. 100% hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính được số hóa; tối thiểu 80% dữ liệu về kết quả thực hiện các thủ tục hành chính được tái sử dụng, chia sẻ theo quy định (ngoại trừ các cơ sở dữ liệu nghiệp vụ đặc thù) đảm bảo người dân và doanh nghiệp chỉ phải cung cấp thông tin một lần khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến, thực hiện các thủ tục hành chính. Tích hợp kết quả xử lý công việc của cán bộ, công chức, viên chức vào phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc của từng đơn vị; tỷ lệ áp dụng dữ liệu trong phục vụ quản lý điều hành công việc trên môi trường số, trong kiểm tra, đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức, viên chức đạt tối thiểu 70%. Kết hợp khai thác sử dụng dữ liệu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) đối với tất cả thủ tục hành chính có đủ điều kiện cung cấp trực tuyến, nâng cao hiệu quả của bộ máy hành chính nhà nước và cung cấp dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Đối với phát triển dữ liệu phục vụ kinh tế số, xã hội số, cần xây dựng và hoàn thành tất cả các bộ dữ liệu ngành nông nghiệp gồm: Dữ liệu đất đai, cây trồng, vật nuôi, thủy hải sản cho các vùng sản xuất nông nghiệp trên cả nước phục vụ các hoạt động sản xuất nông nghiệp; hình thành dữ liệu của toàn bộ chuỗi quy trình sản xuất, kinh doanh, chế biến, quản lý giám sát nguồn gốc, cung ứng các sản phẩm nông nghiệp quan trọng, đảm bảo việc cung cấp thông tin minh bạch, chính xác, đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử. Dữ liệu truy xuất nguồn gốc, xuất xứ được cung cấp kèm theo cho các sản phẩm thuộc chương trình mỗi xã một sản phẩm đăng bán trên các sàn giao dịch thương mại điện tử.

Xây dựng và hoàn thành các bộ dữ liệu ngành công nghiệp, thương mại và năng lượng. Cùng với đó, 90% các di sản văn hóa, di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt được số hoá, lưu trữ đầy đủ dữ liệu và hình thành thư viện số, di sản số, có hiện diện số trên môi trường mạng. Các danh lam thắng cảnh, địa điểm du lịch trong nước được hoàn thành việc số hóa, lưu trữ và chia sẻ thông tin rộng rãi, kết hợp xây dựng các nền tảng số du lịch đồng bộ. Đồng thời, hoàn thiện 100% cơ sở dữ liệu về bảo hiểm xã hội cho người lao động. Các bộ dữ liệu mở về lực lượng, thị trường lao động việc làm, nhu cầu tuyển dụng lao động và yêu cầu trình độ, kỹ năng tương ứng được cung cấp và đảm bảo cập nhật chính xác, kịp thời.

Công tác số hóa được thực hiện với ngành giáo dục về kho giáo trình, tài liệu giảng dạy, học tập; dữ liệu không gian địa lý ngành Tài nguyên và Môi trường; hạ tầng giao thông công cộng và phương tiện giao thông, dữ liệu về kho bãi và các trung tâm logistics nhằm đáp ứng được nhu cầu xây dựng chuỗi cung ứng giao nhận - kho vận và logistics. 95% các dữ liệu về y tế được xây dựng, tổ chức phù hợp với định hướng phân cấp quản lý từ trung ương đến địa phương để phát triển, hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành y tế. Phát triển thị trường dữ liệu, hoàn thành thí điểm, thử nghiệm 05 sàn giao dịch dữ liệu tạo môi trường mua bán, trao đổi dữ liệu có sự giám sát đảm bảo an toàn, tuân thủ quy định của pháp luật.

 Đáng chú ý, việc đảm bảo an toàn thông tin, an ninh mạng được đặc biệt quan tâm. Việt Nam hướng tới tổng thể các cơ sở dữ liệu quốc gia cơ sở dữ liệu dùng chung, chuyên ngành và cơ sở dữ liệu quan trọng của các bộ, ngành, địa phương được triển khai phương án bảo đảm an toàn thông tin theo cấp độ và mô hình bảo vệ 4 lớp; đồng thời triển khai các hoạt động bảo vệ an ninh mạng đối với hệ thống thông tin theo quy định của pháp luật về an ninh mạng.

Đẩy mạnh hiện thực hóa bằng các giải pháp thực hiện nhiệm vụ trọng tâm
Để sớm hiện thực hóa các mục tiêu phát triển chiến lược dữ liệu quốc gia, củng cố nền tảng cho Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số cần phải thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm quốc gia và các Bộ, ngành, địa phương về các lĩnh vực: Xây dựng thể chế, chính sách; Phát triển hạ tầng dữ liệu quốc gia; Phát triển dữ liệu quốc gia; Phát triển kết nối, chia sẻ dữ liệu; Phát triển thị trường dữ liệu; Đảm bảo an toàn thông tin, an ninh mạng cho dữ liệu; Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực. Một số giải pháp cần thiết được đặt ra nhằm thực hiện nhiệm vụ của Chiến lược phát triển dữ liệu quốc gia như:

Thứ nhất, giải pháp về tổ chức bộ máy, mạng lưới. Theo đó, cần có các chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện việc phát triển dữ liệu của bộ, ngành, địa phương. Rà soát, bổ sung chức năng, nhiệm vụ về dữ liệu, làm đầu mối theo dõi thực hiện nhiệm vụ phát triển hạ tầng dữ liệu, phát triển dữ liệu của Bộ, ngành, địa phương trên tinh thần không phát sinh thêm cơ cấu tổ chức bộ máy. Thiết lập mạng lưới nhân sự hỗ trợ triển khai thực hiện Chiến lược từ Trung ương đến địa phương; phân công đầu mối phụ trách về dữ liệu, chịu trách nhiệm tổ chức và điều hành hoạt động về phát triển dữ liệu. Kết hợp mạng lưới cán bộ phụ trách về dữ liệu tại các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, các hội, hiệp hội nghề nghiệp để đảm bảo việc triển khai thực hiện Chiến lược đồng bộ trong tất cả các ngành, lĩnh vực.
 Thứ hai, bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng thông qua triển khai các đề án về tuyên truyền, nâng cao nhận thức, phổ biến kiến thức về dữ liệu số và tổ chức các khóa học trực tuyến đại chúng mở (MOOCs) để bồi dưỡng kỹ năng đại trà cho người dân kiến thức cơ bản về sử dụng và quản lý dữ liệu cá nhân, bảo vệ dữ liệu; bồi dưỡng kiến thức làm việc với dữ liệu và khai thác dữ liệu, giúp người dân tham gia và có kỹ năng, đảm bảo phát triển dữ liệu có chất lượng. Tăng cường bồi dưỡng kiến thức, năng lực cho đội ngũ cán bộ phụ trách về dữ liệu của các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước; xây dựng các chương trình bồi dưỡng, nâng cao trình độ về quản trị, phân tích, lưu trữ, kết nối, chia sẻ dữ liệu. Tổ chức tập huấn, phổ biến, diễn tập thường niên về đảm bảo an toàn dữ liệu, an ninh thông tin, bảo vệ hạ tầng dữ liệu (chuyên ngành và quốc gia).

Thứ ba, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực. Trong đó: Triển khai thực hiện các đề án về đào tạo và phát triển nguồn nhân lực dữ liệu số. Nghiên cứu, xây dựng chương trình giáo dục phát triển ngành dữ liệu, khoa học dữ liệu; đưa khoa học dữ liệu vào chương trình đào tạo đại học, cao đẳng, trung cấp với tất cả các ngành học về công nghệ thông tin, kỹ thuật, kinh tế, xã hội từ cơ bản đến nâng cao để đào tạo ra nhiều nhân lực làm việc trong ngành dữ liệu; xây dựng và củng cố các trung tâm, phòng thí nghiệm khoa học về dữ liệu lớn thuộc các trường đại học, viện nghiên cứu; phát triển đội ngũ nhà khoa học về dữ liệu trong các lĩnh vực. Bố trí nguồn lực, cung cấp các học bổng, tài trợ, khóa thực tập về khoa học dữ liệu cho cán bộ phụ trách về dữ liệu của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; tổ chức bình chọn và tôn vinh các giải thưởng, sáng kiến về khoa học dữ liệu nhằm khuyến khích, động viên và thu hút, tuyển dụng nguồn nhân lực chất lượng cao, có chuyên môn sâu về khoa học dữ liệu để triển khai thực hiện chiến lược.

Thứ tư, nghiên cứu và phát triển: Nghiên cứu, làm chủ các công nghệ về phân tích dữ liệu, xử lý dữ liệu; phát triển các mô hình trí tuệ nhân tạo, các thuật toán chuỗi khối ứng dụng cho dữ liệu mở, dữ liệu lớn phù hợp với đặc điểm và nhu cầu tại Việt Nam. Phát triển cộng đồng nguồn mở dữ liệu lớn, phát triển hệ sinh thái nguồn mở và nâng cao toàn diện khả năng nghiên cứu kỹ thuật thúc đẩy các công nghệ tiên tiến về dữ liệu lớn. Đồng thời, tạo môi trường liên kết về nghiên cứu và phát triển dữ liệu nói chung và dữ liệu lớn nói riêng giữa các cơ quan Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương, với các trường đại học, cơ quan nghiên cứu và doanh nghiệp, với các chương trình, dự án quốc tế về dữ liệu. Xây dựng cộng đồng nghiên cứu giữa các nhà khoa học về dữ liệu với các tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu để kết nối các bên, giải quyết các bài toán đặc thù của các tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu. Thúc đẩy nghiên cứu khoa học về dữ liệu trong sinh viên tại các trường đại học, cao đẳng.

Thứ năm, hợp tác nhà nước doanh nghiệp. Cụ thể: Tạo lập môi trường phát triển thị trường dữ liệu lành mạnh, an toàn và đúng pháp luật, qua đó thúc đẩy các dịch vụ dữ liệu, tạo ra thêm nhiều cơ hội việc làm cho người dân. Triển khai phương án nhà nước, doanh nghiệp đặt hàng các trung tâm nghiên cứu, các doanh nghiệp công nghệ phân tích, xử lý số liệu phục vụ mục đích định hướng kinh doanh, hỗ trợ ra quyết định. Nhà nước xây dựng một số công cụ thu thập, phân tích dữ liệu sử dụng chung để hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ; nghiên cứu, hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ số phát triển các nền tảng chuyển đổi số make in Viet Nam để thông qua các nền tảng làm giàu dữ liệu và tạo lập được hệ sinh thái dữ liệu Việt Nam đa dạng. Phát triển không gian dữ liệu cộng đồng trên cơ sở phối hợp và đóng góp dữ liệu từ cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và người dân, tiến tới hình thành kho dữ liệu, các bộ dữ liệu mở, dữ liệu lớn dùng chung, dữ liệu mẫu để phát triển các giải pháp và ứng dụng trí tuệ nhân tạo.

Thứ sáu, hợp tác quốc tế, trong đó: Tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế để học hỏi kinh nghiệm quản lý, quản trị dữ liệu, khai thác sử dụng dữ liệu, trao đổi dữ liệu xuyên biên giới; chia sẻ, trao đổi một số (loại) dữ liệu trong phạm vi khuôn khổ pháp luật cho phép với các nước trong một số lĩnh vực mà hai bên cùng quan tâm và có nhu cầu. Mời các chuyên gia nước ngoài, chuyên gia người Việt Nam ở nước ngoài về dữ liệu đến Việt Nam tham gia tư vấn, nghiên cứu, đào tạo về dữ liệu và quản trị dữ liệu. Chủ động hợp tác quốc tế trong phát triển dữ liệu. Hỗ trợ một số nước trong phát triển dữ liệu nhằm tăng cường mối quan hệ hợp tác quốc tế; đồng thời quảng bá, tạo thị trường đầu ra cho các sản phẩm, dịch vụ dữ liệu của doanh nghiệp Việt Nam. Tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư cho các lĩnh vực liên quan đến khai thác dữ liệu.

Thứ bảy, đo lường, giám sát, đánh giá triển khai. Bổ sung các chỉ số đánh giá về phát triển dữ liệu vào Bộ chỉ số chuyển đổi số (DTI) ở cả 3 cấp: Cấp tỉnh, cấp bộ và cấp quốc gia, bao gồm từ đánh giá kết quả triển khai dữ liệu mở của các cơ quan nhà nước, cho đến mức độ hoàn thành xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia, khả năng kết nối, chia sẻ dữ liệu, các bộ dữ liệu lớn... Định kỳ hàng năm công bố kết quả chỉ số đánh giá về phát triển dữ liệu cùng với bộ chỉ số chuyển đổi số, làm cơ sở để theo dõi, đôn đốc, xếp hạng về mức độ phát triển dữ liệu, kết quả thực hiện Chiến lược của các bộ, ngành, địa phương.

Nguồn: Tạp chí Con số & Sự kiện (Nguyễn Ngọc Dân)

 


Kết quả giải quyết hồ sơ

Thủ tục hành chính

Tin video

Thông tin tiện ích